
Tây Bắc ký
Mô tả tài liệu
Tây Bắc du ký Có rất nhiều lý do cho một cuộc đi xa, đi xem có “quên” được không là lí do của Nguyễn Văn Tuấn. Còn với hắn, đơn giản là: Đi xa hẳn, xem có ai nhớ tới hắn và hắn có nhớ tới ai không, sau những ngày tay trắng. Vác chiếc ba lô, hắn tỉnh rụi và lùi lũi nhằm hướng Tây Bắc mà đi, đằng sau hắn, Tuấn cũng im lìm, chỉ cái bóng động đậy theo mỗi bước đi… Những câu chuyện bên bếp lửa Với nụ cười hồn nhiên chất phác, những...
Tóm tắt nội dung
Tây Bắc ký
Tây Bắc du ký
Có rất nhiều lý do cho một cuộc đi xa, đi xem có “quên” được không là lí do của
Nguyễn Văn Tuấn. Còn với hắn, đơn giản là: Đi xa hẳn, xem có ai nhớ tới hắn và
hắn có nhớ tới ai không, sau những ngày tay trắng.
Vác chiếc ba lô, hắn tỉnh rụi và lùi lũi nhằm hướng Tây Bắc mà đi, đằng sau hắn,
Tuấn cũng im lìm, chỉ cái bóng động đậy theo mỗi bước đi…
Những câu chuyện bên bếp lửa
Với nụ cười hồn nhiên chất phác, những nụ cươi tươi roi rói luôn bắt gặp trên
mảnh đất heo hút này, người đàn ông xăm xăm vác dao xuống sau nhà, một lát sau
đãi thịt gà luộc và chai rượu được bày ra trong bầu không khí thân thiện quanh bếp
lửa, câu chuyện cởi mở.
Năm 1965 khi làm căn nhà này bố tôi lấy gỗ quanh đây, ngay phía sau nhà tôi cây
to một người ôm mọc đầy, chúng tôi làm căn nhà này vật liệu không xa quá một
cây số, thế mà bây giờ…người đàn ông đưa ánh mắt qua khung cửa sổ gỗ chò chỉ
nhìn đại ngàn, thở dài não nuột. Chẳng còn cây to nào xung quanh đây 20 cây, vào
sâu nữa thì còn, nhưng người ta ta cấm dân chặt vì để bảo vệ rừng đầu nguồn.
Hắn còn nghe về con đường và cơn lũ, người ta làm đường giở chừng rồi lập một ê
kíp, cũng nghiệm thu, cũng quyết toán và đợi những cơn lũ khắc nghiệt không báo
trước tàn phá hoa màu, cuốn trôi gia súc và cũng phi tang luôn con đường. Biết
vậy nhưng ai kêu, người đàn ông ngậm ngùi nói: ngay như phong trào xoá nạn mù
chữ chỉ sáng ngời trên báo cáo học sinh đăng ký hôm khai giảng, sau đó ở nhà
triền miên để chăn trâu, đi hái lá chít, chặt củi, đến kỳ thi lại lọ mọ đến trường
ngồi đợi các thầy cô làm bài hộ. Trong câu chuyện là rượu, rượu êm và ngọt, gà
thả rông trên núi thịt chắc và thơm, chuyện khơi đúng nguồn của người hỏi và
người nghe, ngoài hiên núi rừng bao la mênh mông, hùng vĩ, trùng trùng điệp
điệp, những đám lá vàng xen lẫn trong thảm rừng xanh như nét chấm phá của bức
tranh
Đường lên Tây Bắc
Buổi trưa hắn đã dừng xe đắm đuối ngắm cái màu vàng lạ lùng xuất hiện giữa mùa
xuân, hắn cố chụp một kiểu ảnh đẹp bất ngờ ấy, nhưng sương mù giăng khắp đỉnh
núi làm tay phó nhòm nghiệp dư không nắm bắt được cái đẹp hiếm hoi ấy. Nhưng
đằng sau (bây giờ hắn mới được biết) đó là một sự mất mát, những rừng nứa già
cỗi, úa vàng, chúng quá già, cái chết đã cận kề bên chúng. Không còn lớp kế tiếp,
người ta thi nhau bẻ những ngọn măng để ăn, để bán những củ măng bày đầy phố
huyện được gom hàng sọt về xuôi.
Cây nứa già ngắc ngoải trong cái chết quặn mình nhìn con cháu chưa kịp chào đời
đã bị bóp chết lúc bào thai. Bóc ngắn cắn dài, hàng đêm, cho dù các trạm kiểm
lâm có rào chắn và đội ngũ hùng hậu, trang bị tươm tất, nhưng gỗ trên xe minsk
tròn trùng trục, gỗ trên xe ô tô dài thượt thượt bất chấp tất cả lũ lượt đi trên con
đường độc đạo. Khó hiểu và dễ hiểu...
Bức tranh sơn nữ
Trời về chiều, không thấy mặt trời đâu, mây xám vẫn vũ trên đỉnh núi cao cuộn
cuộn luồng khí đen bao bọc. Hai anh em hắn lang thang trên bãi bồi, con sông
xanh ngắt lạnh lẽo chảy kế bên, một cánh cò trắng lẻ loi bay ngang đầu. Bãi bồi
rộng mênh mông, những mầm ngô mới nhú chừng đốt ngón tay phất phơ lay lắt
trong gió. Trong đám cuội ven sông, một đàn nòng nọc lúc nhúc luồn lách trong
các khe hở của những viên cuội. Không gian vắng lặng, đìu hiu.
Thằng Tuấn em hắn ngồi thẫn thờ bên bờ sông hướng về phía Hà Nội rít từng hơi
thuốc, nó ngửa cổ thả lên trời, chắc nó thấy bầu trời xám xịt và ảm đạm quá, nên
lại cúi mặt xuống ngắm dòng sông. Hắn bảo Tuấn giẫm cái giày khủng bố xuống
nước, giữa cái thanh bình, nhởn nhơ như trêu ngươi của lũ nòng nọc để chụp một
kiểu ảnh. Thằng Tuấn miễn cưỡng thò chân xuống nước, đàn nòng nọc táo tác bơi.
Tuấn lếch thếch đi ven bờ sông, cái dáng cao gầy lòng thòng trên bờ đất mấp mô,
tay cầm cây gậy chống, xiêu vẹo trong không gian bao la, giữa lúc hoàng hôn hiu
hắt của vùng cao đang bao trùm tất cả, cái tranh tối tranh sáng nhập nhoạng đến
não lòng. Mới có 4 hôm thôi, mấy ngày qua tôi thấy chốc chốc nó lại mang máy
ĐT ra xem. Nó mất trí rồi hay sao, đi vào vùng không có sóng 3 hôm rồi mà, hắn
lầu bầu rủa thầm.
Mặc kệ nó, hắn ngồi nhìn con sông. Ơ! Đằng kia có một người con gái, cô ấy đang
lội qua sông, đến ngang dòng có một hòn đá bằng chiếc bàn khá phẳng, cô ấy leo
lên rồi xổ mái tóc dài hơn cả thân người xuống nước, cô cúi người từ từ. Hắn đến
gần nhìn thấy dòng tóc đen hoà với dòng nước xanh, lả lướt và mềm mại, muốn
chụp một kiểu nhưng ống kính không thu nét được quá 10 mét, và ánh sáng của
không gian nhập nhoạng không đủ nữa. Cô vò nhẹ mái tóc mình đang đắm trong
làn nước, không biết bao tuổi, nhìn cái đôi má hồng hồng và tươi sắc kia, tôi đoán
cô ấy không quá đôi mươi, chắc chắn là một trinh nữ, vì ở những người trinh nữ
làn da trên mặt họ toát lên một vẻ gì đó tươi sáng và hồn nhiên, thánh thiện. Tiếc
quá! Không ghi lại được khoảnh khắc ấn tượng. Một người trinh nữ của miền sơn
cước đang xoã tóc bên dòng sông vắng lặng, tịch liêu. Khung cảnh hoang sơ, con
người chất phác khác xa những gì ở nơi mà hắn đang sống, nhớ Hà nội ư? Hắn chả
nhớ được cái quái gì, đối với hắn ở đâu cũng như nhau cả.
Đường vào bản
Bên kia bờ sông là vách đất dựng đứng, sạt lở cây cối um tùm, đúng là dòng sông
bên lở bên bồi. Không biết thằng Tuấn trong lòng có dang dở gì không? Từ con lối
mòn giữa lùm cây, một toán người xuất hiện đột ngột, thì ra một đám đàn bà con
gái đi làm nương về, họ rửa chân, cười nói ríu rít, âm thanh vang xa, nhưng chẳng
rõ tiếng Kinh hay Tày, họ làm người con gái đang mê mải với suối tóc phải ngẩng
đầu lên, cô ấy nhìn thấy hắn, thẹn thùng nở nụ cười.
Mùi của núi rừng
Nửa đêm Tuấn loay hoay không ngủ được, nó chồm dậy định đánh thức hắn,
nhưng thấy hắn vẫn mở mắt trừng trừng nhìn nóc nhà, nó bật cười rủ "Anh ơi!
Nướng sắn ăn đi''.
-Phải đi đào, buổi chiều tao thấy ông già đang nhổ sắn, tao hỏi làm gì, ông ấy bảo
cho lợn.
Tuấn cười thảm hại;
-Thảo nào em xin sắn để ăn họ không cho, chắc họ ngại mang tiếng, thèm sắn
nướng quá, đi đào đi anh.
Trời lâm thâm mưa, hắn cầm dao, Tuấn cầm đèn pin ra đến bãi sắn, màn đêm đen
kịt. Khoảnh đồi trồng sắn khá cao, gió thổi ù ù. Tuấn soi đèn cho hắn đào, cây đầu
tiên nhổ lên chẳng thấy củ, khoét rộng bằng cái thúng cũng chẳng thấy củ nào,
may là đất cũng mềm, có thể do trời mưa. Đất ở đây gặp lúc trời khô thì rắn như
đá, lúc trời mưa thì mềm xốp như mùn cưa. Mấy cây sau, hắn cứ nhằm cây nào
thân to thì nhổ rồi đào, bới mỗi cây chỉ được một củ. Chẳng giống như hắn xem ti
vi thấy họ nhổ một gốc lên thấy 4 - 5 củ. Đang đào bằng dao, thỉnh thoảng lại thò
tay bới, chốc lại không thấy ánh đèn bực quá gắt:
- Mày soi đèn đi đâu đấy ?
- Em xem có rắn không?
Hoá ra nó soi đèn quanh chân nó, thằng vớ vẩn thật
-Rắn mà có thì cũng xuống Lệ Mật cả đi Trung Quốc rồi, mấy trăm nghìn một
con, còn đâu để mà cắn người nữa, mày cầm mấy củ kia, lên trên cao đào tiếp.
Đất bết dưới đế giày, đi lại hơi khổ sở, đào được một củ to, vớ được đoạn xương
chó, mèo gì đấy. Hắn giơ lên ngắm rồi hỏi Tuấn:
- Nếu bây giờ mà đào được người thì sao?
Thằng Tuấn mặt biến sắc, ánh sáng ngọn đèn chợt hướng về lối đi phía nhà sàn.
- Em chạy!
-Tao chỉ sợ đào được người mới chết đang thối rữa, vì mùi của nó khó chịu và
phải trình báo lằng nhằng. Hắn nói, giọng bình thản như chẳng cần biết tới vẻ mặt
đang tái đi của Tuấn.
-Nếu vớ phải bộ xương thì em cũng chạy.
Hắn dòm mặt Tuấn lom lom, cười hềnh hệch:
- Xương khô thì làm gì được ai, nếu đào được bộ xương (hắn vừa đào vừa nói), tao
sẽ lấy cái đầu lâu, cạo qua lớp đất, rồi về lấy cái máy ảnh. Tao sẽ đặt cái đầu cạnh
bao vina chụp lấy một kiểu. Đem cái đầu chôn lại chỗ cũ. Sau này đem cái ảnh đi
khảo nghiệm, nếu mà đầu của bọn Pháp - Mỹ thì anh em mình cũng kiếm được tí
ti, còn đầu của người tiền sử thì cũng khá.
Anh em hắn rửa sắn và chân tay ở khe nước, những củ sắn mập mạp sờ đã thấy
thích. Sắn được lùi trong bếp lửa, trên này nhà dân để bếp cháy cả ngày lẫn đêm,
rồi pha ấm chè, hút thuốc đợi sắn chín. Hắn tranh thủ lấy giấy bút ra chép lại câu
chuyện với những người dân vùng cao lúc sáng. Sắn đã chín, vỏ vàng rộp, bùi và
nhiều bột, không có xơ. Hắn ăn và hình dung tới người nguyên thuỷ xa xưa. Chắc
họ cũng như mình bây giờ. Bà cụ nhà đã lọ mọ dậy, cụ bắc lên bếp nồi bánh gói
như kiểu bánh giò bằng gạo nếp để cúng rằm ngày mai, cụ thấy anh em hắn đang
ăn sắn bèn lấy cho ít mật ong đổ vào cái đĩa, món sắn nướng phết mật ong có ngon
nhưng rất khé cổ, chốc lại phải chao miệng bằng ngụm nước chè. Tiếng gà gáy lác
đác, ở đây toàn những con gà nhỏ xinh xắn mà bọn trẻ Hà Nội gọi là gà tre, điều
khác là ở đây người ta nuôi để thịt chứ không làm cảnh. Cụ già bảo, đó là gà lai
rồi, gà tre thật nhỏ bằng nắm tay thôi.
Ngày mai, hai gã lại trở về Hà Nội, nghĩ đến bữa rượu chia tay mà hắn rùng mình.
Cứ mỗi bữa rượu là lại có một người họ hàng hay hàng xóm ở đâu đến, thế là chén
đầu tiên, chén hỏi tên, chén biết nhau rồi cuối cùng là chả lý do nữa, cứ ngửa cổ
mà nốc cho đến khi úp cái chén chỉ rỏ ra cùng lắm là một giọt rượu, lúc nào không
ngồi được bò lê lết, hoặc gào hét toáng cả nhà lúc đó mới được công nhận là hết
mình. Một nền văn hoá đẫm mùi rượu, nhưng đó cũng là sự nồng hậu, chân tình,
chất phác của tích cách dân vùng cao.
Chẳng biết, hắn và Tuấn có còn nhớ được cái mục đích ban đầu của chuyến đi?
Chỉ biết giờ, mặt hắn phởn phơ với những hình ảnh của Tây Bắc, những miếng
rừng bị vạt dần, mùi của những củ sắn lùi, vị nồng của rượu… và chắc chắn là cả
cô gái gội đầu bên suối có đôi mắt đen lấp lánh nữa.