
Văn bản chỉ thị số 01/2013/CT-UBND 2013
Mô tả tài liệu
Chỉ thị số 01/2013/CT-UBND về tăng cường công tác phối hợp phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm giết người.
Tóm tắt nội dung
Chỉ thị số 2013
ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: Cần Thơ, ngày 11 tháng 6 năm 2013
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH
ĐỐI VỚI TỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI
Trong những năm qua, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố còn diễn biến
phức tạp, các vụ án giết người có xu hướng gia tăng, tính chất, mức độ nguy hiểm
ngày càng nghiêm trọng, hành vi giết người hết sức dã man. Đáng lưu ý là tình
trạng giết người thân trong gia đình, giết người kèm theo các hành vi phạm tội
khác như hiếp dâm, cướp tài sản hoặc một số trường hợp đối tượng giết người có
sử dụng ma túy, rượu, bia. Nguyên nhân do một số nơi chưa có sự quan tâm chỉ
đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các
ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ trong công tác
phòng ngừa, đấu tranh đối với loại tội phạm này.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguyên nhân phát sinh tội phạm giết người và
tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010
của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01 tháng
12 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình
mới”, Nghị quyết số ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ và
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015 đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 06 tháng 9 năm 2012, Kế hoạch số ngày 23 tháng 4 năm 2012 của Ban Chỉ đạo Chương trình
quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ
thị:
1. Công an thành phố:
a) Là lực lượng nòng cốt, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính
quyền tăng cường sự lãnh đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối
với tội phạm này.
b) Thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp, các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng
cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi người dân, nhất
là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình. Đồng
thời, giáo dục văn hóa ứng xử truyền thống đạo đức, ý thức tôn trọng pháp luật sâu
rộng trong các trường học và cộng đồng dân cư để người dân nâng cao nhận thức,
tự giác chấp hành pháp luật góp phần phòng, chống tội phạm một cách có hiệu quả.
c) Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với
phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, làm tốt công tác phòng ngừa xã
hội, quan tâm giải quyết tốt các mâu thuẫn ngay khi xuất hiện từ cơ sở, vận động
nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm; đa dạng hóa
hình thức, biểu dương gương người tốt, việc tốt; nhân rộng điển hình tiên tiến đối
với những người đã có hành vi vi phạm pháp luật nay đã tiến bộ hòa nhập cộng
đồng, có việc làm ổn định; tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các tổ chức
xã hội và cá nhân trên địa bàn xóa bỏ định kiến, kỳ thị với người có hành vi vi
phạm pháp luật.
d) Thống kê, đánh giá đúng tình hình tội phạm giết người trên địa bàn thành phố;
phân tích, đánh giá tình hình các mặt công tác đã thực hiện và dự báo tình hình tội
phạm trong thời gian tới. Trên cơ sở đó chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương có
kế hoạch phối hợp với chính quyền cùng cấp chủ động nắm tình hình, phát hiện
các mâu thuẫn là nguyên nhân có thể dẫn đến tội phạm giết người để có biện pháp
xử lý, giáo dục, phòng ngừa.
đ) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, công tác quản lý vũ
khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thường xuyên có kế hoạch tuần tra, kiểm tra,
kiểm soát tại các địa bàn, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự ở các nơi công cộng,
các quán ăn đêm, vũ trường, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng cho thuê internet, nhà
trọ. Để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi côn đồ, gây rối trật tự
công cộng, đẩy đuổi các băng nhóm tụ tập, ăn nhậu đêm khuya, ngăn chặn các vụ
việc xô xát, mâu thuẫn bộc phát dễ dẫn đến hành vi giết người, đâm chém gây
thương tích.
e) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi và kịp thời rà
soát, lập danh sách, phân loại những người đã chấp hành xong án phạt tù, quyết
định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh bắt buộc trở về
địa phương cư trú để tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện có kế hoạch chỉ đạo
các ngành chức năng tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ, dạy nghề, tạo
việc làm để họ ổn định cuộc sống và sớm hòa nhập cộng đồng; đồng thời phát hiện
và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những người có hành vi tái phạm tội hoặc
vi phạm pháp luật khác.
g) Nâng cao hiệu quả công tác điều tra khám phá án, nhất là các vụ án giết người
do băng nhóm, đối tượng côn đồ hung hãn gây ra. Tập trung khai thác mở rộng để
làm rõ các hành vi phạm tội khác, kiên quyết xử lý triệt để, không để các đối tượng
có điều kiện hình thành băng nhóm phạm tội. Tăng cường phối hợp giữa các cơ
quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử và giữa các địa phương có địa
bàn giáp ranh trong công tác phòng, chống tội phạm.
h) Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và bảo đảm an toàn giao thông
trên địa bàn thành phố, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm
cuộc sống bình yên hạnh phúc cho nhân dân.
2. Sở Tư pháp:
a) Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố tham mưu cho Hội đồng Phối hợp công
tác Phổ biến giáo dục pháp luật thành phố xây dựng các đề cương tuyên truyền,
phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với từng đối tượng.
b) Tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, tập huấn
nghiệp vụ hòa giải, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Chỉ đạo Phòng
Tư pháp quận, huyện phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
cùng cấp rà soát, thống kê số lượng tổ hòa giải và hòa giải viên, đảm bảo 100% các
phường, xã, thị trấn có tổ hòa giải.
c) Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành có liên quan như Công an,
Tòa án trong việc cung cấp, cập nhật thông tin để xây dựng cở sở dữ liệu lý lịch tư
pháp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp cho
công dân theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện
tốt chế độ, chính sách hỗ trợ các tập thể, cá nhân bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại
về tài sản khi tham gia phòng, chống tội phạm; tăng cường tổ chức dạy nghề, giải
quyết việc làm cho các đối tượng chưa có việc làm ổn định tại địa phương, đặc biệt
là đối tượng sau cai nghiện ma túy, đặc xá, tù tha về.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
Trong chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo cơ quan báo, đài địa phương đẩy
mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương của
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng ngừa, đấu tranh đối
với tội phạm giết người trên địa bàn thành phố.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp
luật trong nhà trường”, tổ chức cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật,
chấp hành nghiêm pháp luật.
Phối hợp với Công an thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện có
hiệu quả mô hình “Ngày Pháp luật” cho đối tượng là học sinh phổ thông. Đồng
thời, có biện pháp tăng cường quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ những người
chưa thành niên, học sinh vi phạm pháp luật, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các
em được tiếp tục đến trường.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ và các cơ quan
thông tin đại chúng:
Mở các chuyên mục tập trung tuyên truyền về kết quả thực hiện Chỉ thị số của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng,
Nghị quyết số của Chính phủ và Kế hoạch số Đồng thời, phản ánh các hoạt động, kết quả phong trào “Toàn dân bảo vệ
An ninh tổ quốc” và công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ, dạy nghề tạo
việc làm cho những người có hành vi vi phạm pháp luật tại xã, phường, thị trấn;
đưa gương người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong
phòng, chống tội phạm nhằm động viên, khích lệ quần chúng nhân dân tích cực
tham gia.
7. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố sớm kết thúc hồ sơ
vụ án, đưa những vụ án giết người gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân
ra xét xử lưu động ngay tại địa bàn gây án. Qua đó nhằm tuyên truyền, giáo dục về
phương thức, thủ đoạn của tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để
nhân dân cảnh giác, tự mình kiềm chế và có ý thức phòng ngừa tội phạm, tôn trọng
pháp luật và răn đe giáo dục chung trong toàn xã hội.
8. Ủy ban nhân dân quận, huyện: cần quan tâm thực hiện tốt các mặt công tác
sau:
a) Phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, cơ quan Trung ương đóng trên địa
bàn thành phố và lực lượng Công an thực hiện tốt phong trào “Toàn dân xây dựng
đời sống văn hóa tại khu dân cư” với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, giáo
dục sâu rộng cho từng hộ gia đình, từng người dân ở cộng đồng dân cư. Tuyên
truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp
đỡ người có hành vi vi phạm pháp luật, khơi dậy và phát huy truyền thống đạo lý,
đoàn kết dân tộc, thương yêu đùm bọc, tương thân, tương ái để giúp đỡ, giáo dục
số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật tại địa phương.
b) Tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo song song với giải quyết việc làm, đào
tạo nghề cho số đối tượng chưa có việc làm ổn định tại địa phương. Xây dựng môi
trường sống lành mạnh, an toàn, đoàn kết, văn hóa tại cộng đồng dân cư gắn với
phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; tích cực vận động nhân dân tham
gia phát hiện, tố giác, vây bắt tội phạm và vận động người phạm tội ra đầu thú, góp
phần tích cực xây dựng cụm dân cư an toàn.
c) Chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải tại cơ sở, không để xảy ra các mâu thuẫn
kéo dài trong giao tiếp ứng xử, tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản… trong nội bộ
quần chúng nhân dân.
d) Chỉ đạo lực lượng Công an cùng cấp quản lý chặt và có kế hoạch kiểm tra định
kỳ, đột xuất các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như quán bar, nhà hàng,
khách sạn, vũ trường, dịch vụ cầm đồ trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến tình hình an ninh trật tự.
đ) Thống kê, lập danh sách những đối tượng thuộc diện quản lý, giáo dục tại địa
phương, trong đó phải nắm chắc lý lịch, quan hệ gia đình, xã hội; tiền án, tiền sự,
những di biến động, thái độ lao động, các biểu hiện bất minh của họ. Qua đó có
biện pháp quản lý chặt chẽ không để họ có điều kiện, khả năng phạm tội, đồng thời
phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời đối với những hành vi vi phạm pháp luật
khác của họ tại cơ sở.
e) Kịp thời khen thưởng cá nhân, tập thể làm tốt công tác hòa giải tại cơ sở; công
tác quản lý, giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật, có việc làm ổn
định, không tái phạm để động viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong cộng
đồng.
9. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố: căn cứ chức năng
nhiệm vụ và nội dung Chỉ thị này có kế hoạch chỉ đạo cụ thể cho cán bộ, công
chức chấp hành mọi đường lối chủ trương, chính sách pháp luật tại địa phương
đang sinh sống.
10. Giao Công an thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện: chủ trì phối hợp với
các sở, ban, ngành theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị này.
Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành
phố.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2013 và được đăng Báo
Cần Thơ chậm nhất là ngày 18 tháng 6 năm 2013./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- TT. TU, TT. HĐND TP;
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
- CT, PCT UBND TP;
- UBMTTQVN TP và các Đoàn thể;
- TAND, VKSND TP;
- Các sở, ban, ngành TP;
- HĐND, UBND quận, huyện;
- HĐND, UBND xã, phường, thị
trấn;
- Báo Cần Thơ, TT TH-CB;
- VP UBND TP (3E);
- Lưu: VT, NNQ.
Lê Hùng Dũng